Bệnh héo rũ vàng lá chuối Panama do Nấm Fusarium oxysporum Gây Hại
Bệnh héo rũ vàng lá chuối thường xuất hiện và gây hại tập trung tại vùng trồng chuối ba năm tuổi trở lên. Các vùng trồng chuối chuyên canh hầu như tỷ lệ nhiễm bệnh rất cao. Chuối bị nhiễm bệnh gây mất mật độ, giảm năng suất rõ rệt.
Biểu hiện của bệnh héo rũ vàng lá chuối
1. Nguyên nhân gây bệnh héo rũ vàng lá chuối
- Bệnh héo rũ vàng lá chuối là do nấm Fusarium oxysporum f.sp. cubense gây ra. Nấm Fusarium oxysporum có thể gây hại trên các cây trồng khác nhau như khoai lang, đậu, bắp cải, cà chua, …
2. Đặc điểm phát sinh, phát triển của bệnh héo rũ vàng lá chuối
– Lây qua vật liệu trồng: Nguồn bệnh lây lan mạnh qua cây giống được lấy từ khu vực đã bị nhiễm bệnh; Giống nuôi cấy mô cũng có khả năng nhiễm bệnh nếu quy trình sản xuất không đảm bảo an toàn.
– Lây qua đất: Nấm tồn tại trong đất và có thể sống nhiều năm ngay cả khi không có cây chuối, chúng có thể tồn tại trong xác thực vật (lá, thân, rễ) cây bị nhiễm bệnh dù cây đã chết; nấm lây lan từ nơi này sang nơi khác qua con người, động vật thông qua đất bám trên chân, giày dép, bánh xe, dụng cụ làm vườn, …
– Lây qua nước: Bào tử nấm bệnh có thể trôi theo dòng nước chảy ra bề mặt như nước sông từ đầu nguồn chảy xuống cuối nguồn; nước tưới hoặc nước mưa chảy tràn từ cây này sang cây khác, từ vườn này sang vườn khác.
- Nấm Fusarium oxysporum phát triển mạnh khi có độ ẩm cao và nhiệt độ thấp. Phổ nhiệt độ sinh trưởng của nấm rộng, có thể phát triển ở nhiệt độ thấp 5oC, hoặc nhiệt độ cao 35oC, nhưng tối thích là 20 – 28oC.
- Phương thức lây lan bệnh chủ yếu qua ba con đường: Lây qua vật liệu trồng; Lây qua đất; Lây qua nước. Nấm có thể lây lan mạnh qua cây giống không sạch bệnh. Hoặc bào tử nấm tồn tại trong đất lên đến 3 – 5 năm để có thể gây bệnh. Có thể phát tán theo dòng nước chảy đến các nơi khác nhau để gây bệnh cho vùng trồng mới.
3. Triệu trứng bệnh héo rũ vàng lá chuối
- Bệnh héo rũ vàng lá chuối xuất hiện hầu hết bốn mùa trong năm. Nấm gây hại trực tiếp trong mạch dẫn của cây, do nấm phát tán chủ yếu trong đất. Đầu tiên gây hại phần rễ của cây qua vết thương cơ giới, sau đó phát triển đi lên theo mạch dẫn gây hại phần thân và lá cây. Tức khi cây có biểu hiện bệnh thì cây đã nhiễm bệnh từ rễ, bên trong thân rất khó có thể xử lý bệnh.
Triệu trứng cây chuối bị nhiễm bệnh héo vàng lá chuối
- Cây nhiễm bệnh khi biểu hiện ra bên ngoài làm cho lá bị héo vàng từ dưới lên trên, làm cho cây chuối chết dần. Những cây, bụi chuối bị nhiễm bệnh thì không thể để lưu gốc cho vụ sau hoặc dùng để lấy giống. Cây bị bệnh hầu như không cho thu hoạch. Tỷ lệ các vùng trồng chuối chuyên canh nhiễm bệnh lên đến 80%.
4. Biện pháp phòng trừ bệnh héo rũ vàng lá chuối
* Biện pháp canh tác
- Dọn sạch cỏ dại quanh gốc, phát quan bụi dậm xung quanh để vườn chuối thông thoáng đón nắng nhiều nhất.
- Mật độ trồng cây phải đúng kỹ thuật, không trồng dày. Kỹ thuật chăm sóc như bón phân cân đối tăng khả năng chống chịu của cây; Tưới nước đúng kỹ thuật tốt nhất nên sử dụng biện pháp tưới nhỏ giọt là tốt nhất.
- Thường xuyên thu dọn các lá già, héo để hạn chế sự phát triển của bệnh. Nấm Fusarium oxysporum gây hại chủ yếu qua viết thương nên tránh làm tổn thương cây đặc biệt là làm tổn thương bộ rễ của cây.
a) Đất trồng
– Chọn đất có độ pH trung tính – hơi kiềm để hạn chế vi sinh vật gây hại phát sinh.
– Xử lý hố trước khi trồng: Bón vôi, phân chuồng mục ủ hoai mục cùng với chế phẩm nấm Trichoderma vào các hố trồng để phòng bệnh.
– Xử lý cây giống trước khi trồng: Cắt sạch rễ và đất ở gốc chuối con rồi nhúng gốc vào dung dịch Bordeaux hoặc các thuốc gốc đồng trong 10 – 15 phút để diệt trừ mầm bệnh.
b) Bón phân
– Trong quá trình chăm sóc, sử dụng phân chuồng đã hoai mục, bón đầy đủ, cân đối N-P-K trong bón lót và bón thúc, hạn chế bón phân đạm Amon (NH4), thay bằng bón phân đạm Nitrat (NO3). Nên bón vôi bột khử trùng trước khi trồng, bổ sung vôi bột trong quá trình canh tác để cải thiện pH đất.
c) Quản lý nước
Bố trí hệ thống thoát nước dạng xương cá để nước mưa, nước tưới không chảy tràn trên bề mặt và không chảy tràn từ vườn nọ sang vườn kia (nhất là vào mùa mưa); không nên để ẩm độ đất quá cao trong thời gian dài.
d) Vệ sinh đồng ruộng
– Thường xuyên kiểm tra, loại bỏ các lá già, lá vàng nghi bị bệnh đem tiêu hủy (phơi khô rồi đốt).
– Khi phát hiện cây bệnh phải đốn bỏ, đào củ và thu gom toàn bộ đem tiêu huỷ bằng cách phơi khô rồi đốt hoặc ủ kín trong bể xi măng hoặc lót nilon để bào tử nấm bệnh không lây lan ra đất, nước; rắc vôi bột vào hố đào gốc để khử trùng đất hoặc đổ trấu vào hố rồi đốt.
e) Luân canh cây trồng
Những nơi chuối tiêu bị bệnh héo vàng gây hại nặng có thể chuyển sang trồng chuối tây (ít bị bệnh hơn), trồng giống chuối kháng bệnh hoặc luân canh cây chuối với cây trồng khác (chuối – mía; chuối – sắn); chuối – cây họ đậu, …) từ 2-3 năm.
* Sử dụng giống chống chịu với bệnh hoặc cây con sạch bệnh
- Tốt nhất nên sử dụng các giống chuối nuôi cây mô, do tỷ lệ sạch bệnh là cao nhất.
- Những vườn trồng chuối nhiễm bệnh nặng có thể chuyển sang cây trồng khác hoặc sử dụng giống có khả năng chống bệnh là tốt nhất.
* Biện pháp sinh học
- Sử dụng các chế phẩm chứa nấm đối khàng Trichoderma trong suốt quá trình trồng chăm sóc để phòng chống sự gây hại của nấm gây bệnh héo vàng lá chuối.
* Biện pháp hóa học
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam có hoạt chất Zineb, Propiconazole, Difenoconazole, Hexaconazole,… để phòng trừ nấm gây bệnh; thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất Carbosulfan để phòng trừ tuyến trùng gây hại rễ. Sử dụng liều lượng, nồng độ thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì.
- Có thể kết hợp các dòng thuốc đặc trị tuyến trùng kết hợp với đặc trị nấm để đồng phòng điều trị bệnh.
Nơi Mua Thuốc trừ bệnh héo rũ vàng lá chuối : thuốc Zineb, thuốc Propiconazole, thuốc Difenoconazole, thuốc Hexaconazole
* Quản lý nguồn bệnh, tiêu hủy, khử trùng
- Đối với các vườn chuối bị bệnh cần tiến hành khử trùng toàn bộ vật dụng sử dụng trong canh tác để ngăn ngừa bệnh gây nhiễm ra vùng mới.
- Cần tiến hành đánh giá mức độ gây hại của bệnh trong từng giai đoạn phát triển của cây chuối để có thể đưa ra biện pháp xử lý hợp lý. Mức độ gây hại trên 50% tiến hành tiêu hủy tại chỗ. Tuyệt đối không vận chuyển, buôn bán sản phẩm vườn chuối bị bệnh. Tiến hành tiêu hủy theo đúng kỹ thuật tiêu hủy dịch bệnh tránh gây nhiễm ra ngoài.
- Sau khi thu hoạch hoặc tiến hành tiêu hủy thì diện tích vườn nên chuyển đổi sang trồng cây trồng khác hoặc trồng các giống có khả năng chống chịu bệnh.