Sâu Bệnh và Cách Phòng Trị Trên Cây Thanh Long

Ngày đăng: 14-10-2017 12:45:00

Sâu Bệnh và Cách Phòng Trị Trên Cây Thanh Long

Theo Nguyễn Văn  Kế (2003) và Phạm Văn Biên và ctv (2004) trên thanh long xuất hiện một số loại côn trùng và bệnh hại chính.

Kiến (Solenopsis geminata)

Kiến có màu nâu đỏ, thân dài khoảng 3 mm. Kiến chúa đẻ trứng dưới đất, trên những mô đất cao không ngập nước.

Cách gây hại: Cắn đục phá gốc cây làm hư hom giống, cành non, tai lá, nụ hoa, trái non, trái chín gây ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm.

Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh vườn, dọn sạch các cành cây, lá khô trong vườn phá hủy nơi ẩn nấp.

- Ở những vườn bị nhiễm nặng, khi cây có nụ hoa, có thể sử dụng thuốc hóa học để trị nhưng phải bảo đảm thời gian cách ly an toàn. Không sử dụng thuốc hóa học trên trái một tuần trước khi thu hoạch.

- Sử dụng nước đường hoặc bả dừa khô trộn với thuốc hóa học (Regent 80wp) để diệt kiến sau khi thu hoạch.

- Ngoài ra có thế dùng Basudin,  Pyrinex, Padan.

Các loại bọ cánh cứng

Sâu trưởng thành là loại bọ cánh cứng màu nâu đen bóng, dài 16 – 18 mm. Rải rác trên ngực, cánh có nhung mảnh lông trắng vàng, mịn rất đặc trưng.

Cách gây hại: Bọ cánh cứng thường gây hại ở vỏ và tai trái gây vết thương tạo điều kiện cho nấm bệnh và vi khuẩn gây hại làm giảm mẫu mã của trái.

Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh vườn, phát quang bụi rậm, cỏ dại, bón phân chuồng hoai.

- Bọ trưởng thành có kích thước khá lớn nên biện pháp tốt nhất là bắt bằng tay.

- Biện pháp hoá học: Có thể dùng các loại thuốc hóa học nằm trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT như nhóm cúc tổng hợp, thuốc có nguồn gốc sinh học( Novas Super 650 EC, ANSUCO 100EC)để phun và lưu ý thời gian cách ly của sản phẩm.

Ruồi đục trái (Bactrocera dorsalis)

Cách gây hại: Ruồi đục trái là đối tượng nguy hiểm và là đối tượng kiểm dịch rất khắt khe của nhiều nước trên thế giới. Ruồi cái chích vào vỏ trái và đẻ trứng vào bên trong, bên ngoài lớp vỏ có dấu chích sẽ biến màu nâu, khi trứng nở thành giòi ăn phá bên trong trái làm thối và rụng trái.

Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh đồng ruộng, thu gom tiêu hủy trái rụng.

- Thu hoạch trái chín kịp thời.

- Áp dụng biện pháp bao trái.

- Sử dụng pheromone bẫy ruồi đực (Flykil 95 EC, Vizubon-D): Tẩm pheromone có trộn thuốc trừ sâu vào miếng thấm, gắn vào bẫy và treo lên cây, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp, mỗi 2 tuần thay thuốc 1 lần, nên treo đồng loạt trên diện rộng.

- Phun mồi protein (SofriProtein + Fipronil 5% SC): Ruồi thành trùng cần ăn protein để con cái phát triển trứng, con đực phát triển tinh trùng. Ưu điểm là diệt cả ruồi cái và ruồi đực, lượng thuốc trừ sâu sử dụng ít, an toàn cho côn trùng có ích.

Sên, ốc (Achtina sp.)

Cách gây hại: Ốc sên và sên dẹp (sên nhớt, sên trần, con bà chằng) phát triển mạnh trong mùa mưa. Ban ngày ẩn nơi ẩm, mát, dưới lớp rơm tủ, ban đêm chúng xuất hiện và ăn phá phần non của cành, hoa, trái thanh long.

Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh vườn, dọn sạch cỏ dại vào mùa mưa.

- Tẩm thuốc diệt ốc (Yellow-K) vào bông, trái đặt bả nơi sên, ốc hay tập trung.

- Hoặc Thuốc xịt  osbuvang 80wp  với hoạt chất metadehyde 80%

Ngoài ra còn có các dịch hại khác như bọ trĩ, sâu ăn tạp (sâu xanh da láng), rầy mềm, bọ xít, ngài chích hút hại trái, tuyến trùng hại rễ.

Bệnh thối cành (Do nấm Alternaria sp.)

Đặc điểm gây hại:Bệnh thường xảy ra vào mùa nắng. Thân cành bị thối mềm có màu vàng nâu, vết thối thường bắt đầu từ ngọn xuống.

Biện pháp phòng trừ:

- Cung cấp đủ nước cho cây vào mùa nắng.

- Tránh tưới cây vào lúc trời nắng gắt.

- Bón phân cân đối.

- Vườn phải thoát nước tốt.

- Cắt bỏ cành bị bệnh và tiêu hủy.

- Dùng các sản phẩm đặc trị bệnh thán thư trên thanh long nằm trong danh mục cho phép của Bộ NN và PTNT và các sản phẩm nguồn gốc sinh học phun trừ như amistar top 325 sc, Aviso 350sc, trobin top 325ec..

Bệnh đốm nâu trên thân cành (Do nấm Gloeosporium agaves)

Đặc điểm gây hại: thân cành có những đốm tròn như mắt cua màu nâu. Vết bệnh nằm rải rác hoặc tập trung, thường kéo dài thành từng vệt dọc theo thân cành.

Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh vườn, cắt và tiêu huỷ cành bệnh

- Có thể dùng các loại thuốc phun trừ:Dithane M45 80WP, Manozeb 80WP, Carbendazim 500scZineb Bul 80WP...

Bệnh thán thư (Do nấm Colletorichum gloeosporioides)

Đặc điểm gây hại: Bệnh gây hại chủ yếu trên hoa, trái. Trên hoa, nấm tạo thành những đốm đen nhỏ làm hoa bị khô đen và rụng, trên trái già và chín có những đốm đen hơi tròn lõm vào vỏ. Bệnh phát triển mạnh khi thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều.

Biện pháp phòng trừ:

- Tỉa cành thông thoáng, loại bỏ cành bệnh, không cho cành tiếp xúc với đất.

- Tiêu hủy các cành bị bệnh nặng.

- Phun thuốc phòng bệnh trong danh mục cho phép ( Antracol 70wp, Anvil 5sl) khi điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển (mưa nhiều).

Bệnh nám cành (Do nấm Massonina agves Sphacelona)

Đặc điểm gây hại: trên thân và cành có những đốm nhỏ hình tròn, màu nâu nhạt. Về sau vết bệnh lớn lên, không có hình dạng rõ rệt, tạo thành một lớp màng mỏng màu xám tro, hơi nhám, trên đó có nhiều hạt nhỏ màu đen là các ổ bào tử. Bệnh nặng làm cành phát triển kém, ảnh hưởng đến ra hoa, đậu trái.

Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh vườn và tiêu hủy các cành bị bệnh nặng

- Phun thuốc trừ nấm bằng các thuốc gốc đồng(Coc 85wp, Dithan - M, eddy  72wp…

Bệnh đốm trắng, đốm nâu (Do nấm Scytalidium dimidiatum)

Đặc điểm gây hại: Nấm gây hại trên cả thân cành, có các đốm nhỏ màu trắng phấn xung quanh trái và thân cành bị bệnh, bệnh nặng có thể đốm trắng phủ lên hết trái.

Biện pháp phòng trừ:

- Vệ sinh vườn và tiêu hủy cành bệnh.

- Tỉa cành tạo vườn thoáng mát.

- Phun các thuốc trị nấm phổ rộng hoạt chất mancozeb, metalaxy

Chia sẻ:


Bài viết liên quan

© Website được tạo Miễn phí trên nền tảng Jweb.vn

zalo
0339091090