Bệnh đốm lá vi khuẩn trên cây Hoa Hồng

Ngày đăng: 11-07-2018 15:59:33

 Bệnh đốm lá vi khuẩn trên cây Hoa Hồng

 Bệnh đốm lá vi khuẩn là một trong các bệnh gây hại quan trọng trên cây hồng tương tự như bệnh đốm đen và thán thư. Bệnh còn được bà con nông dân ờ làng hoa Sa Đéc gọi là bệnh đốm lá xanh vì khi lá bị bệnh vẫn còn giữ màu xanh. Bệnh được ghi nhận trên nhiều giống hồng như Hồng Lửa Sa Đéc, Hồng Tỉ Muội Vàng, Hồng Nhung Sa Đéc, Hồng Vàng Sa Đéc,

       Bệnh được xác định do vi khuẩn Xanthomonas sp. gây ra. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá hồng, từ lá non đến lá trưởng thành, vết bệnh ban đầu chỉ là một vết nhỏ, màu nâu nhạt. Sau đó vết bệnh phát triến theo các gân lá thành dạng đốm có góc cạnh (đặc trưng của bệnh). Hình dạng và kích thước vết bệnh thay đổi tùy theo giống hoa hồng và điều kiện môi trường, đôi khi kích thước lên tới 20 mm.

 Quan sát mặt dưới lá, vết bệnh giới hạn và nhìn thấy phần thịt lá màu nâu đen, nhũn nước bên trong lớp vách tế bào lá và không thấy rõ được những đường góc cạnh, về sau nhiều đốm nhỏ có thể liên kết lại với nhau tạo thành vết bệnh lớn, có màu nâu rộng hơn và phần giữa vết bệnh thường hoại tử và có màu xám trắng (triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với bệnh thán thư trên cây hồng). Bệnh thường xuất hiện và gây hại nặng trong điều kiện mùa mưa hoặc khi cây hồng bị sâu gây hại do vết sâu cắn sẽ tạo vết thương thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhiễm và gây hại. Bên cạnh đó, việc bón quá nhiều phân đạm, vườn không thông thoáng thiếu nắng cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển.

 

Các biện pháp phòng trừ bệnh đốm lá do vi khuẩn Bacterial Leaf Spot Disease

Để phòng bệnh đốm lá vi khuẩn cần sử dụng giống hồng kháng hoặc cây sạch bệnh khi nhân giống, không sử dụng quá nhiều phân đạm, sử dụng nguồn nước sạch để tưới cho hồng và tránh tưới nước vào lúc chiều tối làm đọng lại nhiều giọt nước trên lá, vệ sinh vườn hồng thường xuyên, thu lá bệnh và tiêu hủy.

 
Khi mới phát hiện cây bị bệnh nên cách ly ngay cây bệnh, hạn chế tưới nước và phun các loại thuốc đặc trị vi khuẩn hoặc thuốc chứa hoạt chất như oxolinic acid, kasugamycin, streptomycin, bronopol.
 
Trước mắt có thế sử dụng các loại thuốc đang bán trên thị trường như Starner 20WP, Kasuran 50WP, Kasumin 2L,… theo đúng liều lượng do nhà sản xuất hướng dẫn trên bao bì. Đặc biệt, nếu cây hồng đang bị bệnh đồng thời bị côn trủng gây hại cân phải chú ý diệt trừ côn trùng để hạn chế vết thương do côn trùng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhiễm và gây hại nặng hơn.

 

 
Nguồn: Đánh máy lại từ Sách Dịch hại trên hoa hồng của GS. TS Nguyễn Thị Thu Cúc, PGS. TS. Trần Thị Thu Thủy

Chia sẻ:


Bài viết liên quan

zalo
0339091090