Nghiên cứu xử lý cành thanh long thải bỏ bằng các chủng vi sinh vật có ích, kết hợp với phân chuồng để sản xuất phân hữu cơ sinh học

Ngày đăng: 21-11-2017 21:17:36

Đề tài thuộc Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao phát triển 100 ha Thanh Long (Hylocereus undatas) vùng Chợ Gạo – Tiền Giang", do TS. Lê Quang Khôi làm chủ nhiệm, TS. Nguyễn Thị Ngọc Trúc (Viện Cây ăn quả miền Nam) làm đồng chủ nhiệm, Trung Tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang chủ trì.

Thanh long là loại cây có hiệu quả kinh tế cao, tương đối dễ trồng, thích hợp trên nhiều loại đất khác nhau nên được nhiều hộ nông dân chọn trồng. Diện tích trồng cây thanh long hiện nay tăng khá nhanh, cả nước có hơn 40.000ha diện tích trồng cây thanh long, tập trung chủ yếu ở 3 tỉnh: Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.

Tuy nhiên, sau mỗi vụ thu hoạch thanh long, người nông dân thường tiến hành tỉa bỏ các cành già, cành bệnh, cành đã cho quả 2 năm… để đảm bảo năng suất cho cây. Việc đó sẽ tạo ra một khối lượng khá lớn xác bã thực vật và có thể là điều kiện tốt để nguồn bệnh hiện diện và phát triển gây hại cho cây trồng trong vườn nếu chúng không được xử lí hoặc tiêu hủy. Các biện pháp như chôn lấp, đốt,… không mang lại hiệu quả cao và chưa là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường. Chính vì thế mà đề tài "Nghiên cứu xử lý cành thanh long thải bỏ bằng các chủng vi sinh vật có ích, kết hợp với phân chuồng để sản xuất phân hữu cơ sinh học" đã được thực hiện.

Đề tài được thực hiện trong phạm vi nghiên cứu là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng tập trung chủ yếu ở tỉnh Tiền Giang. Mục tiêu chính của đề tài là tìm được dòng vi sinh vật có khả năng phân hủy cellulose từ cành thanh long, giúp tận dụng nguồn thanh long thải bỏ và chuyển thành phân bón vi sinh hữu cơ, cung cấp lại ngay cho vườn thanh long.

Các nội dung nghiên cứu chính của đề tài:

- Phân lập, tuyển chọn chủng vi sinh vật có khả năng phân hủy nhanh cànhthanh long thải bỏ;

- Ứng dụng các vi sinh vật có ích, giúp phân hủy nhanh cành thanh long thải bỏ, làm hoai nhanh phân chuồng, hạn chế gây hôi thối, bảo vệ môi trường; tạo sản phẩm phân bón hữu cơ sinh học có các đặc tính, thành phần hóa lý, vi sinh tốt cho cây trồng.

- Thử nghiệm thực tế trên cây thanh long và chuyển giao qui trình cho các hộ dân áp dụng, nhân rộng và xây dựng mô hình.

Kết quả nhóm nghiên cứu đã phân lập được 80 dòng vi sinh vật có khả năng phân hủy cellulose; xác định được 1 dòng vi sinh vật có khả năng phân hủy cellulose từ cành thanh long mạnh nhất, định danh tên vi sinh vật đó là Bacillus subtilis VL33; nghiên cứu thành công qui trình kết hợp tổng thể sản xuất phân hữu cơ từ cành thanh long và chuyển giao kết quả đến nông dân tại huyện Chợ Gạo, Tỉnh tiền Giang.

Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu ngày 10/7/2017 đánh giá xếp loại B.

(Nguồn: skhcn.tiengiang.gov.vn)

Chia sẻ:


Bài viết liên quan

zalo
0339091090