Mũi Né, mùa xoài ngọt

Ngày đăng: 08-05-2019 15:13:08

BT- Mũi Né - Phan Thiết trở thành dấu chấm đặc biệt trên bản đồ du lịch Việt Nam từ sau nhật thực toàn phần năm 1995 với biển xanh và những bãi cát trải dài. Sự trở mình ấy khiến làng biển nghèo ngày càng sôi động, lung linh hơn nhờ ánh đèn đa sắc của các resort, nhà hàng, của sự đa dạng ngôn ngữ, màu da. Nhưng đằng sau “chiếc áo choàng” lộng lẫy ấy, vẫn là một Mũi Né yên bình với rặng dừa xanh mát và những vườn xoài trĩu quả, vàng ươm dưới ánh nắng lấp lánh mỗi độ tháng 5.  

Ông Lê Văn Hùng vui mừng trúng vụ xoài.

Mùa trái ngọt

2 giờ chiều, nắng còn khá gắt, nhưng vợ chồng ông Lê Văn Hùng (KP Suối Nước) đã tranh thủ làm vườn. Giữa khu vườn rộng 2 ha, hương thơm thoang thoảng của xoài, của chuối khiến cho vợ chồng lão nông tuổi ngoài 60 này quên đi mệt nhọc. Đã 3 năm liền thất bát, năm nay những người nông dân ở xứ này mới được mùa xoài. Bởi thế mà bước chân ai cũng hối hả, tất bật hơn, nhưng ánh mắt và nụ cười lại cứ rổn rảng.

“Ngày hôm kia là 5 tạ, thêm hôm nay 7 tạ nữa, vậy là chưa đầy 1 tháng đã thu hơn 1 tấn xoài, nếu giá cứ ổn định từ 20.000 – 45.000 đồng (loại 1, 2, 3), thì mình còn kiếm thêm được khoảng 70 triệu đồng nữa”. Bà Phan Thị Mót nói với chồng, sau khi phân loại và đóng gói gọn ghẽ từng bao xoài chờ thương lái.

Mấy chục năm gắn bó với vườn tược, rồi lên rẫy trồng dưa lấy hạt, ông Hùng khẳng định xoài cát là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất. Dù vào vụ trái cây (tháng 4 - 7) nhưng xoài cát Mũi Né vẫn được giá hơn xoài ở các tỉnh miền Tây chở ra. Đặc biệt vào vụ nghịch, trúng dịp Tết Nguyên đán, giá bán tại vườn luôn từ 90.000 đồng/kg trở lên. Cũng nhờ vườn cây trái mà vợ chồng ông Hùng thảnh thơi nuôi 4 đứa con học đại học. Dưới bóng mát của những gốc xoài và từng chùm quả lúc lỉu trên đầu, ông Hùng nhớ về thời gian những năm 1995 khi mới đưa giống cây này về trồng. “Xem ti vi rồi có dịp vào Đồng Nai, Tiền Giang thấy vườn xoài cát của họ mà ham. Nghĩ Mũi Né là vùng đất cát, không biết cây có thể phát triển, nhưng nông dân mà, chúng tôi không ngại thử nghiệm trồng. Rồi những cây trồng xen trong vườn điều, vườn dừa không tốn nhiều công chăm sóc mà vẫn sinh trưởng tốt, sau 3 năm đã cho quả và có thể thu 3 vụ/năm. Đặc biệt xoài có vị ngọt thanh, kích cỡ trái lớn, khi chín quả có màu vàng tươi nên để được lâu, mùi thơm hơn những quả xoài trồng ở vùng khác trong tỉnh. Dần dà những gốc xoài cát Hòa Lộc đã phủ kín vườn điều già cỗi”.

 Vài năm trở lại đây, nguồn lợi thủy sản cạn kiện cùng sức hút du lịch, nghề dịch vụ và làm vườn trở thành “chiếc cần câu” giúp nhiều hộ thoát cảnh nghèo khó. Toàn vùng hiện có khoảng 50 ha xoài (chủ yếu khu vực Suối Nước) với hơn 60 hộ tham gia trồng. Anh Nguyễn Thọ Tiến - một trong những hộ mới trồng xoài, sau khi từ giã nghiệp biển năm 2007, chia sẻ: Cây xoài cát Hòa Lộc không cần nhiều công chăm sóc, phân thuốc như thanh long, chỉ cần khi thu hết trái là cắt cành tạo tán, bón phân hợp lý phòng bệnh thán thư, sâu rầy gây hại. Nên dùng phân hữu cơ để phục hồi sức khỏe cho bộ rễ của cây. Nhờ áp dụng đúng phương pháp khoa học kỹ thuật nên vườn xoài cát của anh nhiều năm liền cho năng suất cao. Dự kiến vào rằm tháng 4 tới, gia đình sẽ thu hái 3 tấn/ha, cao gấp 3 lần năm ngoái, như một sự bù đắp cho những nhọc nhằn “bám đất” của người nông dân.  

Hướng đến xây dựng thương hiệu

Năm nay, ngoài điều kiện thời tiết thuận lợi thì theo các nhà vườn, sau khi Công ty TNHH Phú Hiệp ngừng khai thác titan, mạch nước ngầm có lại giúp cây xoài “hồi sinh” và đậu trái nhiều. Điều đáng chú ý là tất cả các hộ trồng xoài ở Long Sơn, Suối Nước rất ý thức trong việc sử dụng thuốc trừ sâu. Đối với xoài cát Hòa Lộc, vào mùa nắng thì bọ trĩ là kẻ thù số một khiến xoài rụng bông, ngược lại vào mùa mưa, chất axit trong nước mưa là tác nhân chính gây ra tình trạng xoài bị cháy bông và không đậu trái. Những người nông dân ở đây khắc chế hai “kẻ địch” này bằng cách diệt trứng, bắt sâu và xịt nước thông thường. Khi xoài đậu quả non 40 ngày sẽ dùng vải màn hoặc túi báo bao trái cho đến khi thu hoạch, mà không hề phun xịt thuốc.

Trong câu chuyện xen lẫn tiếng cười sang sảng của những lão nông vùng biển, tôi hiểu rằng họ không chỉ trồng cây, bán quả thuần túy mà đang nuôi ý tưởng làm du lịch. Đó là hướng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể xoài cát Long Sơn – Suối Nước, để mỗi lần du khách ghé thăm Mũi Né, trong túi của họ khi về không chỉ có nước mắm, hải sản khô mà còn có những quả xoài vàng thơm.

Khi mà cây xoài đang góp phần làm đa dạng hóa cây trồng ở địa phương, tạo thêm việc làm, làm giàu cho nhiều gia đình, thì ý tưởng trên hoàn toàn có cơ sở. Hội Nông dân phường Mũi Né cũng đang tuyên truyền người dân duy trì diện tích hiện tại. Đồng thời thường xuyên phối hợp với các phòng, ban tổ chức tập huấn, nhắc nhở nông dân chú ý quy trình sản xuất sạch để nâng cao năng suất, tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể cho trái xoài – loại trái cây có hương vị ngọt thanh đặc trưng chỉ có ở xứ biển Mũi Né.

Chia sẻ:


Bài viết liên quan

© Website được tạo Miễn phí trên nền tảng Jweb.vn

zalo
0339091090