BIỆN PHÁP BẢO VỆ VƯỜN CÂY ĂN TRÁI TRONG MÙA MƯA LŨ

Ngày đăng: 21-11-2017 21:36:36

 

Trồng cây ăn trái là ngành nghề khá quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân. Nguồn lợi thu được cơ bản dựa vào điều kiện thiên nhiên, đất đai, khí hậu, nguồn nước và nhưng quan trọng nhất là kỹ năng trồng và chăm sóc. Sự am hiểu đặc tính vùng, đặc tính cây, đặc tính mùa góp phần rất lớn cho thành công của nhà vườn. Bên cạnh thuận lợi cũng còn có những khó khăn mà cây ăn trái phải gánh chịu nhất là mùa mưa lũ hàng năm, mưa nhiều, nước ngập, vườn cây ăn trái phải đối mặt và gặp nhiều khó khăn nhất trong năm.

            Có 5 khó khăn mà vườn cây ăn trái gặp phải, đòi hỏi người làm vườn biết và tìm cách khắc phục:

1. Mực nước trong mương vườn dâng cao làm chết rễ: Mưa cùng với nước sông dâng cao thấm qua đê bao làm nước trong các mương vườn dâng lên, rễ cây dễ bị ngập úng, tình trạng nầy kéo dài làm cho rễ thiếu không khí thở dẫn đến hạn chế sự phát triển của rễ, cây kém phát triển, năng suất thấp và có thể rễ cây bị chết. Trong canh tác, nhà vườn luôn giữ ổn định mực nước ở mương vườn cách mặt líp tối thiểu là 60 cm. Cho nên vườn cây ăn trái cần phải có:

            - Đê bao: Ngăn chận không cho nước lũ hay triều cường xâm nhập vào vườn. Xây dựng hệ thống đê bao cho một vùng rộng lớn hiệu quả hơn là đê bao cục bộ, riêng lẽ từng vườn

            - Máy bơm nước: Trong trường hợp mưa lũ nhiều ngày hay đê bao có lổ mội phải dùng máy bơm đưa nước ra khỏi vườn, tạo điều kiện cho vườn cây khô ráo.

2. Đất líp bị oi nước: Mặc dù giữ được mực nước trong mương vườn không dâng cao, nhưng mưa lũ làm đất sét trương nở, nước trong đất líp không rút kịp, đất bị oi nước, rễ cây hoạt động kém, nấm bệnh phát triển, rễ bị bệnh nhiều hơn. Khắc phục bằng cách:

- Đánh rãnh thoát nước trên đất líp, rãnh có chiều rộng 20 cm, chiều sâu 20 – 30 cm. Những líp có chiều ngang rộng, thường bị trũng ở giữa nên đào một rãnh giữa líp và những rãnh bên (hình xương cá) để thoát nước xuống mương vườn.

- Cần bón vôi vào đầu mùa mưa với liều lượng khoảng 50 kg/công 1.000 m2.

3. Sự quang hợp của lá bị giảm: Vào mùa mưa lũ, mây mù nhiều, lượng ánh sáng giảm, lá cây nhận ánh sáng ít, sự quang hợp kém. Những lá khuất bên trong tán bị che rợp chẳng những không quang hợp được mà còn là lá ăn bám làm tiêu hao năng lượng của cây. Tán cây rậm rạp, kém thông thoáng dễ sinh bệnh trên lá. Khắc phục bằng cách:

- Xén tỉa bỏ bớt những nhánh lá khuất bên trong tán, những nhánh là đà gần mặt đất.

- Hạn chế bón phân N để cây không ra đọt non, tăng lượng phân P và K.

4. Cây dễ bị đứt rễ: Vào mưa lũ đất líp trở nên mềm nhão, gió to làm cây lung lay dẫn đến đứt rễ. Rễ cây bị đứt giảm khả năng hấp thụ dưỡng chất, đồng thời là cửa ngỏ cho nấm bệnh xâm nhập. Hạn chế bằng cách:

- Chống đở những cây ở đầu ngọn gió.

- Hạn chế đi lại trong vườn vì vào mùa mưa lũ mặt đất đất mềm nhão, rễ thường ăn bàn lên mặt đất.

5. Đất mặt líp bị rửa trôi: Mặt líp trơ trụi khi gặp mưa nhiều dễ bị rửa trôi lớp đất mặt xuống mương vườn, mất đi sự màu mỡ cần thiết cho cây. Hạn chế bằng cách:

- Không nên làm sạch cỏ ở vườn cây ăn trái mà nếu có làm cỏ thì chỉ nên cắt bỏ phần lá ở trên và chừa lại phần gốc cỏ.

- Chỉ nên làm cỏ chung quanh gốc cây cho thông thoáng và hạn chế bệnh.

GS TS Nguyễn Bảo Vệ

Chia sẻ:


Bài viết liên quan

zalo
0339091090